Hồi năm 2013, tôi xin nghỉ phép một tuần, bỏ lại công việc bộn bề vô nghĩa sau lưng để ra Côn Đảo một mình tìm sự thanh thản. Khi tham gia tour lặn scuba diving ngắm san hô trong chuyến đi đó tôi gặp David, một cậu thanh niên người Thụy Sĩ, đang trên đường đi bụi qua nhiều đất nước trên thế giới. Tuy mới 20 nhưng David có ngoại hình khá to con và già dặn, đi cạnh cậu ta mà tôi thấy mình chỉ như một thằng nhóc mới 16 tuổi.
David kể cậu vừa mới hoàn thành nghĩa vụ quân sự và muốn đi du lịch nhiều nơi để trải nghiệm cuộc sống trước khi vào đại học. Cậu ghét chiến tranh và nhất quyết không động vào súng ống, nên được sắp xếp những vị trí có ít tính bạo lực nhất trong quân đội như trực ban, và thu xếp nhu yếu phẩm. Ở Thụy Sĩ thì chuyện đó là khả thi. Tôi đã khá ngạc nhiên và hỏi dù có làm những công việc bên lề thì người lính nào cũng phải được huấn luyện cơ bản với súng đạn chứ? David đáp rằng, ừ, có lẽ thế, nhưng tao nhất quyết không bao giờ cầm súng và nói với chỉ huy rằng nếu bắt tao phải thao tác với súng đạn, lỡ có tai nạn gì xảy ra cho mọi người xung quanh thì đừng có trách tao. Ở Thụy Sĩ, người ta có quyền phản bác và bảo vệ lựa chọn cá nhân của mình như thế.
David là người rất độc lập, chỉn chu và đáng tin cậy. Cậu có vẻ rất thoải mái vì không phải đeo đồng hồ đeo tay. "Mày biết không, tao không đeo đồng hồ đeo tay vì đang trong kì nghỉ. Chỉ khi đi nghỉ thì tao mới tháo đồng hồ." Cậu thanh niên này là người mạnh mẽ và yêu thiên nhiên, luôn mang theo mặt nạ gắn ống thở và theo tôi ra bãi biển vắng gần sân bay để lặn ngắm những đám cá nhỏ lấp lánh bơi nép vào các khe đá. Tuy nhiên, điều làm tôi bất ngờ nhất là khi nói chuyện với David về phim ảnh, và nghe kể rằng cậu đã khóc khi xem bộ phim "Life is beautiful" của Roberto Benigni. Tôi cũng đã xem và biết đó là một bộ phim hài cảm động nói về số phận của những người Do Thái trong Thế Chiến II, nhưng chẳng thể tưởng tượng rằng một thằng thanh niên lại có thể khóc vì bộ phim ấy. Và David còn nói với cậu thì khóc khi xem một bộ phim hay đọc một cuốn sách là việc vẫn thường xảy ra, không có gì là lạ.
Còn tôi thì cho rằng đó thật là một việc quái đản đối với một người đàn ông, vì nước mắt thể hiện cho sự mềm yếu. Hồi ấy tôi là một thanh niên trẻ khá tự tin vào khả năng tự thân vận động và bươn trải của mình trong cuộc sống. Trong đời mình tính tới thời điểm đó, tôi mới chỉ khóc vài ba lần ít ỏi, tất cả đều vì cảm thấy bản thân mình bất lực trước hoàn cảnh. Nhưng chuyện đó sẽ không bao giờ xảy ra nữa, tôi đã ngày càng mạnh hơn, tự chủ hơn và hiểu được chính mình. Sẽ không còn sự bất lực, chỉ còn một tinh thần sắt đá tiến lên phía trước và quyết tâm làm chủ số phận. Đó là cách sống của một thằng đàn ông, và nước mắt sẽ chỉ dành cho kẻ thua cuộc yếu đuối.
Thế rồi bẵng đi một thời gian, tôi đạt được tất cả những mục tiêu đã đặt ra cho cuộc sống, sự nghiệp, và cả tình yêu, nhưng cuối cùng chỉ tìm thấy trong lòng mình cảm giác hụt hẫng và trống rỗng. Đó là lúc tôi quyết định từ bỏ mọi ham muốn vô nghĩa, bước ra khỏi cuộc đua tranh phàm tục bấy lâu nay, và tìm kiếm mục đích thực sự trong cuộc sống. Sự nghiệp tiêu tan, tình yêu sụp đổ, đó là những hệ quả tất yếu khi một người quyết định rút ra khỏi guồng quay của xã hội. Tôi chỉ còn lại một mình, nhưng không hề lúng túng hay lo sợ. Tôi biết mình đang đi đúng hướng.
Thế rồi một ngày trong cuộc sống đơn độc mới, tôi nhận ra mình bắt đầu khóc. Tôi thấy mình bỗng nhiên dễ bị xúc động hơn rất nhiều khi xem phim hay nghe nhạc. Chỉ một bối cảnh, chỉ một giai điệu hay ca từ thôi, cũng có thể khiến tôi bỗng nhiên rơi lệ. Đó thực sự là một bất ngờ, dường như trong tôi đã có thứ gì đổi khác. Đây không phải là những lệ vì hoàn cảnh của bản thân, vì cảm giác cô đơn hay bất lực, mà là những giọt lệ của sự đồng cảm sâu sắc. Tôi bỗng thấy mình hiểu thấu cảm xúc của một con người khác dù chỉ là hư cấu, hiểu thấu cảm xúc trong một tiếng nói, một ca từ, một giai điệu. Những cảm xúc ấy mang lại nỗi đau, niềm hạnh phúc, hay sự xoa dịu trong chính tâm hồn tôi, như thể nó đã hòa vào làm một với những câu chuyện trong phim, hay với tâm hồn tác giả của những bản nhạc.
Có lẽ mọi thứ bắt đầu lúc tôi xem bộ phim Inside Out của Pixar và rơi lệ khi Bing Bong vừa vẫy tay nhắn nhủ Joy hãy thay mình đưa Riley lên mặt trăng (take her to the moon - ảm chỉ cảm giác lâng lâng vì hạnh phúc), vừa dần dần tan biến vào hư vô, vĩnh viễn biến mất. Sau đó nước mắt lại rơi khi tôi nghe từ "sayounara" (từ biệt) được cất lên trong ca khúc Itsumo Nando Demo kết thúc bộ phim anime Spirited Away. Rồi đến những cảnh quay về thời niên thiếu của Wonder Woman trên hòn đảo tách biệt với loài người. Tiếp đó là nhiều cảnh phim hay giai điệu khác nữa, thi thoảng xuất hiện và lập tức khiến cảm xúc dâng trào lên, khiến khí quản nghẹn đắng và mắt lại ngấn lệ. Dường như tâm hồn tôi đã trở nên tinh tế và nhạy cảm hơn một bậc so với trước đây. Ban đầu tôi nghĩ nó xuất phát từ nỗi đau và sự cô đơn sau khi mối tình có lẽ là cuối cùng trong đời mình sụp đổ, nhưng qua thời gian tôi nghĩ còn có thứ gì sâu xa hơn thế đã tác động tới tâm hồn mình sau một quãng thời gian tách khỏi vòng xoay nhiễu loạn của xã hội và có nhiều thời gian hơn để suy tưởng về loài người, về thế giới, về tạo hóa và vũ trụ.
Hơn bao giờ hết, tôi đã hiểu những giọt nước mắt của David không phải là thứ gì mềm yếu, kém nam tính, mà là biểu hiện của nhân tính, của một tâm hồn đẹp và nhạy cảm, chưa bị xơ cứng và chết đi trong cõi nhân sinh đang ngày càng phù phiếm, giả tạo và ác độc của con người. Gần đây nhất, tôi đã khóc khi xem bộ phim anime "Nausicaa of the valley of the wind" năm 1984 của Studio Ghibli. Khóc cho Trái Đất, khóc cho sự ngu dốt và cuồng điên của nhân loại, khóc vì chẳng thể đóng góp được gì nhiều để thay đổi những gì con người đã, đang, và sẽ làm với Đất Mẹ và mọi sinh vật của tạo hóa xung quanh mình.
Nếu mọi người đều có thể xem và khóc trước những bộ phim như "Life is beautiful" hay "Nausicaa of the valley of the wind" thì có lẽ mọi thứ trên hành tinh của chúng ta đã có thể trở nên tốt đẹp hơn rất nhiều.
No comments:
Post a Comment